Ngày 1/3/2017 tại Tp.Hồ Chí Minh, Bộ khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Liên bang Đức (BMBF) và Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD)tổ chức sự kiện “Ngày Khoa học Đức” nhằm kỷ niệm 20 năm hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam-Đức.
Tham dự sự kiện có Thứ trưởngBộKH&CN Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) Phùng Bảo Thạch, Ông Frithjof A. Maennel - Phó Tổng vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và giáo dục, ông Wilfried Kraus - Phó Tổng vụ trưởng Vụ Năng lượng, Khí hậu và Phát triển bền vững, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, viện, cơ sở nghiên cứu khoa học và gần 200 chuyên gia, đại biểu đến từ hai nước.
Ông Frithjof A. Maennel - Phó Tổng vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và giáo dục
Phát biểu khai mạc sự kiện thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định “Trong suốt 20 năm hợp tác KH&CN giữa hai nước, được sự quan tâm ủng hộ và tài trợ kinh phí của Bộ BMBF và Bộ KH&CN Việt Nam, nhiều chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu KH và phát triển CN đã được triển khai, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ những dự án hợp tác nhỏ lẻ ban đầu, nhiều chương trình hợp tác lớn cũng đã được xây dựng và thực hiện. Riêng trong lĩnh vực nước và môi trường, tính đến nay phía CHLB Đức đã tài trợ nhiều dự án hợp tác có hiệu quả, đã hỗ trợ nhiều địa phương của Việt Nam giải quyết các vấn đề liên quan đến xử lý nước thải, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, cung cấp nước sinh hoạt cho vùng cao, quản lý lưu vực sông... có thể nói rằng, các dự án này đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh nơi triển khai thực hiện dự án ”.
Tại sự kiện, đại diện CHLB Đức cho biết, tiếp nối sự thành công giai đoạn 1 của dự án CLIENT-Chương trình hỗ trợ các đối tác quốc tế trong lĩnh vực khí hậu, môi trường và năng lượng, hai Bộ đã cùng tài trợ cho 5 đề tài hợp tác nghiên cứu chung, với sự tham gia mạnh mẽ của giới doanh nghiệp Đức, góp phần giải quyết những vấn đề thực sự cấp bách đối với Việt Nam như giảm ùn tắc giao thông đô thị, cung cấp nước sạch cho vùng cao, tiếp thu công nghệ xử lý môi trường nước, công nghệ khai thác mỏ; Giai đoạn 2 sẽtập trung vào các hợp tác nghiên cứu và phát triển định hướng theo yêu cầu với các nước đang phát triển và công nghiệp hóa được lựa chọn có thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp công nghệ của Đức. Những dự án này nhằm góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý, sử dụng năng lượng sạch và an toàn.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Tổng vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và giáo dục BMBF chia sẻ, Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức và là 1 trong 5 đối tác quan trọng của Đức trong tương lai. Việc tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực KH&CN cần tiếp tục được duy trì và phát triển. BMBF mong muốn nhận được những ý tưởng mới với các dự án hợp tác giữa hai nước.
Toàn cảnh sự kiện
Cũng tại sự kiện các diễn giả đến từ hai nước đã trình bày và thảo luận về các vấn đề đang rất được quan tâm ở Việt Nam như công nghệ nước và môi trường, nguyên liệu thô, phát triển đô thị bền vững, kinh tế sinh học và nghiên cứu về sức khỏe. Đặc biệt các dự án về nước và môi trường được đối tác Đức đặc biệt chú trọng, đây thực sự là vấn đề cấp bách, rất cần sự quan tâm, hợp tác, hỗ trợ của nước bạn, do ViệtNam đang đứng trước những thách thức lớn về môi trường, hậu quả của sự tăng trưởng đô thị nhanh, sử dụng nhiều nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu.
Nguồn: Cục Công tác phía Nam.